Những điều cần biết về Nhồi máu cơ tim

Hàng năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của tràng triệu người trên thế giới. Trong đó, nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong cao. Bài viết ngày hôm nay sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức về bệnh, các giải pháp điều trị và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh!

Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim ( tên tiếng Anh: Myocardial infarction ) là bệnh lý xảy ra khi động mạch vành đột ngột bị tắc hoàn toàn hoặc tắc một phần. Động mạch vành dẫn máu nuôi tim bị tắc khiến cho một vùng hoặc toàn bộ cơ tim bị thiếu máu và oxy nuôi dưỡng. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới các hậu quả như suy tim, sốc tim,…thậm chí là tử vong. Do vậy, bệnh cần được cấp cứu và xử trí càng nhanh càng tốt.

Trước đây, các bệnh mạch vành thường gặp ở người già, nhưng nay có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả trẻ em. Tại Việt Nam, chuyên gia lo ngại các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim đang có xu hướng xuất hiện cả ở những người trẻ. 

Bộ Y Tế cho biết, bệnh động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc để lại di chứng gây tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh nhồi máu cơ tim, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay.

5 type nhồi máu cơ tim

Hiện nay có 5 type nhồi máu cơ tim khác nhau phụ thuộc vào bản chất bệnh. Trong 5 typ này, thường gặp nhất là nhồi máu cơ tim type 1.

  • Type 1. Đây là tình trạng nhồi máu cấp tính liên quan tới sự không định của các mảng xơ vữa động mạch vành. Các mảng bám có thể bị tách ra và kết tụ với tiểu cầu tạo thành cục máu đông. Cục máu đông trôi theo dòng máu và làm tắc nghẽn mạch máu, gây thiếu máu cơ tim cấp tính.
  • Type 2. Đây là tình trạng nhồi máu không liên quan tới các mảng xơ vữa động mạch mà do sự mất cân bằng giữa cung và cầu oxy cơ tim. Hoặc do co thắt mạch vành.
  • Type 3. Liên quan tới bệnh động mạch vành cấp tính làm hoại tử cơ tim cấp tính. Người bệnh đột ngột tử vong.
  • Type 4. Liên quan tới quá trình điều trị can thiệp mạch vành.
  • Type 5. Liên quan tới bắc cầu động mạch chủ và động mạch vành.

Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một hoặc cả hai động mạch vành bị tắc nghẽn. Nguyên nhân của sự tắc nghẽn này là do xơ vữa động mạch. Xỡ vữa động mạch là sự tích tụ chất béo như cholesterol, tạo thành các mảng bám.

Xem thêm: Những thông tin cần biết về xơ vữa động mạch

Các mảng xơ vữa có thể thu hẹp động mạch và cản trở lưu thông máu. Khi các mảng xơ vữa này không ổn định và bị tách ra, có thể kết tụ với các tiểu cầu để tạo thành cục máu động. Cục máu động lớn có thể mắc kẹt lại tại động mạch vành, làm tim thiếu máu và oxy nuôi dưỡng. Cuối cùng dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Có 2 kiểu tắc nghẽn:

  • Tắc nghẽn hoàn toàn có nghĩa là bạn đã bị nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI).
  • Tắc nghẽn một phần có nghĩa là bạn đã bị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI).

Tuỳ từng loại tắc nghẽn mà phương pháp điều trị có thể khác nhau.

Bên cạnh xơ vữa động mạch vành thì co thắt động mạch vành cũng là một nguyên nhân thường gặp. Co thắt làm ngừng lưu lượng máu đến một phần của cơ tim. Một số nguyên nhân gây co thắt như: sử dụng ma tuý, thuốc lá,…

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Tuổi: Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi
  • Di truyền
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng ma tuý
  • Thường xuyên stress, căng thẳng
  • Thừa cân, béo phì
  • Lười vận động
  • Bệnh mỡ máu hoặc có mức mức cholesterol, triglyceride máu cao
  • Có tiền sử tiền sản giật
  • Một số bệnh lý: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ…

Dấu hiệu và triệu chứng nhồi máu cơ tim

Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến như:

  • Ngực đau, căng tức hoặc có cảm giác đè nặng. Cơn đau tức có thể lan sang cánh tay, lên cổ, hàm hoặc lan ra sau lưng.
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt đột ngột
  • Buồn nôn, khó tiêu, ợ chua, đau bụng

Không phải ai cũng gặp tất cả những triệu chứng này hoặc có mức độ nghiêm trọng của triệu chứng giống nhau. Một số người bị đau nhẹ trong khi những người khác có cơn đau tim dữ dội. Một số người không có dấu hiệu báo trước những đối với những người khác, ngừng tim đột ngột là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu bệnh. 

Cơn đau tim có thể xảy ra đột ngột hoặc cảnh báo trước hàng giờ, ngày, tuần.  Dấu hiệu cảnh báo sớm nhất thường là đau ngực tái phát hoặc đau thắt ngực tăng lên khi hoạt động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. 

Các xét nghiệm chẩn đoán 

Một số xét nghiệm có thể dùng để chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim gồm:

  • Điện tâm đồ ( ECG ). Đây là xét nghiệm đầu tiên để chẩn đoán cơn đau tim bằng cách ghi lại những tín hiệu dòng điện trong tim.  
  • Xét nghiệm máu. Một số protein, enzym từ tim có thể bị rò rỉ vào máu sau khi tim bị tổn thương. Các bác sĩ có thể xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu hoại tử cơ tim như men Troponin I và Troponin T.
  • Chụp X – quang lồng ngực. Hình ảnh X – quang lồng ngực sẽ giúp các bác sĩ kiểm tra kích thước tim, các mạch máu và phát hiện các chất lỏng trong phổi.
  • Siêu âm tim. Kiểm tra hoạt động của buồng tim và van tim, giúp xác định một vùng tim có bị tổn thương hay không.
  • Chụp CT hoặc MRI tim chẩn đoán mức độ tổn thương do các cơn đau tim gây ra.
  • Chụp động mạch vành phát hiện các khu vực mạch bị tắc nghẽn.

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không? Sống được bao lâu?

Đây là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra những biến chứng:

  • Loạn nhịp tim. Các xung động để tạo ra nhịp tim không hoạt động theo bình thường, khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc đập không đều. Nếu loạn nhịp nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong.
  • Suy tim. Tình trạng thiếu máu khiến nhiều mô tim bị tổn thương nghiêm trọng khiến phần cơ tim còn lại không thể bơm đủ máu ra khỏi tim, gây suy tim. Suy tim cũng là một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào.
  • Ngừng tim đột ngột. Tim có thể ngừng đập đột ngột do rối loạn nhịp tim gây ra. Ngừng tim đột ngột có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu ngay lập tức.

Những biến chứng kể trên đều nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao. Vậy, nhồi máu cơ tim có thể sống được bao lâu?

Mỗi phút sau cơn nhồi máu, nhiều tế bào cơ tim bị chết. Thời gian sống còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, mức độ bệnh lý và mức độ tổn thương của tim sau cơn nhồi máu. Vì vậy, bạn nên thường xuyên thăm khám và nhận sự tư vấn phù hợp với tình trạng của mình.

Nhồi máu cơ tim có chữa được không? Các phương pháp điều trị

Nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể hồi phục nếu được cấp cứu và xử trí kịp thời. Phục hồi lưu lượng máu nhanh chóng sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương tim. 

nhồi máu cơ tim có chữa được không

Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

Sử dụng thuốc

Một số thuốc được sử dụng trong điều trị:

  • Aspirin. Aspirin giúp làm giảm đông máu, qua đó duy trì lưu lượng máu qua động mạch bị hẹp.
  • Thuốc làm tan huyết khối. Giúp làm tan cục máu đông cản trở lưu thông máu đến tim.
  • Thuốc chống kết tập tiểu câu. Giúp ngăn ngừa hình thành các cục máu động mới và giữ có các cục máu đông đã có không lớn lên.
  • Thuốc giảm đau
  • Nitroglycerin. Đây là một loại thuốc được sử dụng để điều trị đau thắt ngực, có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim bằng cách làm giãn các mạch máu.
  • Thuốc chẹn beta. Thuốc có tác dụng làm thư giãn cơ tim, làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp, từ đó giúp tim hoạt động dễ hơn và hạn chế mức độ tổn thương của cơ tim.
  • Các loại thuốc giảm mỡ máu để kiểm soát cholesterol, chất béo có trong máu. 

Xem thêm: TOP 10+ thuốc giảm mỡ máu tốt nhất hiện nay và lưu ý sử dụng

Can thiệp và phẫu thuật

  • Nong mạch và đặt stent mạch vành ( PCI ). Thủ thuật này còn được gọi là can thiệp mạch vành qua da. Các bác sĩ sẽ dẫn một ống dài, mỏng qua da đến động mạch bị tắc và thông mạch. Qua đó khôi phục lưu lượng máu đến tim.

Xem thêm: Đặt stent động mạch là gì? Những lưu ý cần biết

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ( CABG ). Trong một số trường hợp, bác sĩ thực hiện phẫu thuật bắc cầu khẩn cấp tại thời điểm đau tim. Những đoạn mạch máu được lấy từ những nơi khác trong cơ thể để làm cầu nối phía trước và phía sau nơi bị tắc.  Giúp máu đi theo đoạn mạch ghép và đi đến nuôi  cơ tim dưới.

Phục hồi chứng năng tim

Sau khi tình trạng nguy hiểm đã qua, bạn có thể phải bắt đầu các phương pháp để phục hồi chức năng tim liên tục từ vài tuần đến vài tháng. Bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, vấn đề về cảm xúc và khôi phục các hoạt động bình thường. Việc hồi phục chức năng tim sau cơn nhồi máu sẽ được các bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết.

Các biện pháp phòng ngừa tại nhà

Để cải thiện sức khỏe tim mạch, bạn có thể thực hiện các hướng dẫn sau:

  • Bỏ thuốc lá
  • Thường xuyên theo dõi, kiểm soát huyết áp và mức cholesterol
  • Khám sức khỏe định kỳ
  • Luyện tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý
  • Tránh stress, căng thẳng
  • Không sử dụng các chất kích thích: rượu bia, cà phê, ma tuý,…
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hoà.

Xem thêm: TOP 15 thực phẩm chống xơ vữa động mạch

Như vậy, nhồi máu cơ tim là bệnh lý có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của người bệnh. Việc chủ động cải thiện và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh như Xơ vữa động mạch là rất quan trọng, giúp hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể gặp. 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *