Chỉ số triglyceride là chỉ số gì? Những điều cần lưu ý 

Khi tiến hành xét nghiệm mỡ máu và thấy chỉ số triglyceride, nhiều người bệnh thắc mắc không biết đây là chỉ số gì? Ý nghĩa và vai trò của chỉ số này trong chẩn đoán bệnh. Bài viết ngày hôm nay sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần biết về triglyceride. 

Chỉ số triglyceride

Triglyceride máu là chỉ số gì? Ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh

Chỉ số triglyceride máu là chỉ số biểu thị nồng độ của triglyceride trong máu. Đây là một trong bốn chỉ số mỡ máu được quan tâm, đánh giá trong xét nghiệm ở người bệnh mỡ máu.

Triglyceride là một chất béo mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày, có nhiều trong các loại mỡ động vật và thực vật. Ở mức độ bình thường, triglyceride được đưa vào cơ thể thông qua nguồn thực phẩm và chúng ta ăn hàng ngày. Khi đến ruột non, triglyceride được phân tách và tiêu hoá. Sau đó chúng kết hợp với Cholesterol để sinh ra năng lượng.

 Năng lượng này chủ yếu tích trữ ở tế bào gan và tế bào mỡ. Tuy nhiên, quá trình tích tụ triglyceride quá lớn sẽ dẫn tới chỉ số triglycerid trong máu tăng cao. Gây nhiều tác động xấu tới cơ thể. Triglyceride có thể tích tụ và bám vào động mạch, gây tắc nghẽn quá trình lưu thông máu.

Chỉ số triglyceride máu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán và đánh giá nguy cơ mắc một số bệnh lý. Trong đó, quan trong nhất là bệnh mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch,… Từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.

Xem thêm: Bệnh mỡ máu là gì? Có nguy hiểm không?

Chỉ số triglyceride thấp có sao không?

Một nghiên cứu thực hiện năm 2014 đã chỉ ra mức chất béo triglyceride thấp có liên quan tới chức năng được cải thiện ở người cao tuổi. Chỉ số triglyceride thấp thường không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Ngoài dạng chất béo này, cơ thể còn nhiều dạng chất béo khác để đảm bảo hoạt động sản sinh năng lượng. Do vậy, bạn cũng không cần quá lo lắng khi chỉ số triglyceride thấp.

Tuy nhiên, triglyceride trong máu thấp kéo dài cũng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Cần đến bệnh viện để thăm khám và biết chính xác được vấn đề bạn đang gặp.

Chỉ số triglyceride bao nhiêu là cao? 

Chỉ số triglyceride bao nhiêu là cao?

Người bệnh có thể biết được chỉ số triglyceride của mình là bao nhiêu thông qua xét nghiệm máu. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bất kỳ ai trên 20 tuổi đều cần đi xét nghiệm thường xuyên để theo dõi mức cholesterol và triglyceride máu .

Chỉ số triglyceride máu cao hay thấp được đánh giá như sau:

  • Chỉ số triglyceride mức bình thường: dưới 150 mg/dL ( tương đương dưới 1,7 mmol/L )
  • Mức biên giới: từ  150 đến 199 mg / dL ( tương đương 1,7 – 2,2 mmol/L )
  • Mức cao: vượt quá 200 – 499 mg/dL ( tương đương 2,2 – 5,6 mmol/L )
  • Mức rất cao: từ 500mg/dL trở lên ( tương đương trên 5,6 mmol )

Để chẩn đoán và đánh giá bệnh mỡ máu, người bệnh không chỉ xét nghiệm đánh giá chỉ số triglyceride máu mà còn cần xét nghiệm các thành phần khác. Như Cholesterol toàn phần, LDL – Cholesterol, HDL – Cholesterol. Tuỳ mỗi mức độ mà bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. 

Chỉ số triglyceride tăng cao có nguy hiểm không?

Triglyceride máu tăng cao có thể gây ra nhiều tác động xấu tới sức khoẻ, đặc biệt là bệnh lý về gan và tuỵ. 

Triglyceride máu thường xuyên vượt mức 200mg/dL có nguy cơ gây bệnh máu nhiễm mỡ,  xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, béo phì,… 

Chỉ số triglyceride tăng cao có nguy hiểm không?

Một số biến chứng do triglyceride máu tăng cao cần lưu ý như:

  • Xơ vữa động mạch. Triglyceride tích tụ và hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch. Gây hẹp lòng mạch và cản trở sự lưu thông của máu. Đặc biệt, khi mảng bám xuất hiện ở động mạch vành có thể gây đau tim, nhồi máu cơ tim. Mảng bám xuất hiện ở động mạch cảnh có thể gây thiếu máu và đột quỵ não.

Xem thêm: Xỡ vữa động mạch có nguy hiểm không? Cách phòng xơ vữa hiệu quả

  • Viêm tuỵ. Triglyceride máu tăng cao có thể gây tắc mao mạch ở tuỵ. Từ đó dẫn tới tổn thương và viêm. Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội, sốt và nôn mửa. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để xử lý và điều trị.
  • Các tình trạng khác như gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì,…

Như vậy, triglyceride tăng cao có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Bạn cần biết cách kiểm soát chỉ số này để phòng ngừa nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

Làm sao để kiểm soát chỉ số triglycerid?

Để đưa mức triglyceride về bình thường, bạn có thể kết hợp giữa thay đổi lối sông và sử dụng thuốc. Trong đó, thay đổi lối sống là phương pháp được ưu tiên.

Thay đổi lối sống. Chỉ số triglyceride cao nên ăn gì?

  • Thường xuyên luyện tập thể dục. Cố gắng dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất. Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm lượng triglyceride. Nếu bạn quá bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, hãy thử kết hợp các hoạt động thể dục vào cuộc sống như leo cầu thang bộ tại nơi làm việc hoặc đi dạo trong giờ giải lao.
  • Hạn chế tiêu thụ nhiều đường và carbohydrate tinh chế. Do các thực phẩm này có thể làm tăng lượng triglyceride.
  • Đưa cân nặng về mức lý tưởng. Nếu bạn đang có tình trạng tăng triglyceride máu và thừa cần thì nên tập trung vào việc giảm cân bằng cách cắt giảm lượng calo đưa vào cơ thể. 
  • Lựa chọn nguồn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh. Như dầu ô liu, dầu hạt cải, các loại cá giàu omega – 3 như cá thu và cá hồi…
  • Hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn như rượu, bia,…

Sử dụng thuốc

Khi thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống không đủ để đưa chỉ số triglyceride về bình thường thì bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc.

  • Nhóm thuốc statin. Bao gồm các loại thuốc như Atorvastatin, Rosuvastatin, Simvastatin, Lovastatin…
  • Nhóm thuốc Fibrate. Bao gồm các loại thuốc như Fenofibrate, Ciprofibrate, Bezafibrat, Gemfibrozil,…
  • Dầu cá chứa axit béo omega – 3 như Lovaza
  • Niacin ( vitamin B3 )

Cần lưu ý rằng, các thuốc trên có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu như sử dụng không đúng cách. Do vậy, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sỹ.

Xem ngay: Uống gì để giảm triglyceride? 

Trên đây là một số thông tin về chỉ số Triglyceride. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích, giúp quá trình chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh được thuận lợi hơn. Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *