Nhồi máu não là gì? Dấu hiệu, Điều trị và Phòng ngừa

Nhồi máu não là một trong những loại đột quỵ phổ biến với tỷ lệ mắc tương đối cao. Nếu không được xử trí kịp thời có thể để lại nhiều di chứng, thậm chí là tử vong. Cùng tìm hiểu những thông tin về bệnh trong bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ ràng hơn!

nhồi máu não

Nhồi máu não là gì?

Nhồi máu não là tình trạng giảm lưu lượng tuần hoàn đến não do tắc, hẹp mạch máu hoặc do hạ huyết áp. Các tế bào não không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng quan trọng sẽ bị hoại tử dần.

Nhồi máu não còn được coi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, chiếm khoảng 80% các trường hợp đột quỵ. 20% đột quỵ còn lại do chảy máu não, chảy máu dưới màng nhện.

Thiếu máu não là tình trạng não bị ngừng cung cấp máu. Nếu vùng não bị thiếu máu kéo dài sẽ dẫn tới nhồi máu não.

Nhiều người gặp cơn thiếu máu não thoáng qua ( TIA ). Đây là tình trạng thiếu máu não tạm thời. Thường chỉ kéo dài một vài phút và không gây tổn thương vĩnh viễn đến cơ thể. Tuy nhiên, có tới 1/3 người có cơn thiếu máu não thoáng qua gặp đột quỵ trong tương lai. Do vậy, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về cơn nhồi máu não có thể xảy ra.

Nhồi máu não có hồi phục được không?

Bệnh có tỉ lệ tử vong và để lại di chứng cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và cấp cứu kịp thời, não chưa bị nhiều tổn thương thì bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục được. Mức độ hồi phục sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian nhồi máu, vùng não bị tổn thương,…

Nguyên nhân gây nhồi máu não

nguyên nhân nhồi máu não

Một số nguyên nhân gây bệnh có thể kể tới như:

Do Xơ vữa động mạch 

Động mạch cảnh là động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực, hướng lên chia nhánh dẫn máu nuôi não bộ. Khi các mảng xơ vữa xuất hiện ở động mạch cảnh, có thể gây hẹp lòng mạch và cản trở sự lưu thông máu lên não. Đặc biệt, với những mảng xơ vữa không ổn định có thể bị bong ra thành các mảnh nhỏ. Các mảnh nhỏ này kết tụ cùng tiểu cầu, trôi đến các mạch máu nhỏ hơn trong não và bị kẹt lại. Dẫn tới tắc mạch não và gây nhồi máu não.

Ngoài động mạch cảnh, mảng xơ vữa có thể xuất hiện ở các mạch máu lớn ngoài sọ và trong sọ não.

Xơ vữa động mạch gây ra khoảng 50% các trường hợp nhồi máu não. Trong đó 45% xơ vữa mạch máu lớn ngoài sọ và 5% xơ vữa mạch máu trong sọ.

Xem thêm: Thông tin cần biết về xơ vữa động mạch cảnh

Do tim

Các bệnh lý về tim có thể gây xuất hiện cục máu đông như bệnh van tim, loạn nhịp tim, suy tim, rung nhĩ,… Các cục máu đông này trôi theo dòng máu và kẹt lại ở trong các mạch máu não. Gây thiếu máu nghiêm trọng và dẫn tới nhồi máu. Các bệnh lý về tim chiếm 20% nguyên nhân gây nhồi máu não.

Do tắc mạch máu não

Các mạch máu não cũng có thể bị tắc nghẽn do sự chèn ép của khối u, chấn thương tại nạn,…

Do rối loạn đông máu

Các bệnh lý liên quan tới rối loạn đông máu, bất thường tế bào máu cũng có thể gây ra sự hình thành các cục máu đông. Làm tắc nghẽn mạch máu não và gây nhồi máu.

Dấu hiệu nhồi máu não

Các dấu hiệu của bệnh phụ thuộc vào vị trí vùng não bị tổn thương. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, tiến triển trong vài giờ đến vài ngày. Đôi khi các triệu chứng có thể không rõ ràng làm người khó phát hiện.

Các dấu hiệu có thể xuất hiện đột ngột vào lúc bệnh nhân ngủ. Như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, liệt nửa người, tê chân tay,…

Một số dấu hiệu nhồi máu não theo vị trí tổn thương:

  • Tổn thương trong bán cầu đại não: Hơn 50% các trường hợp nhồi máu có tổn thương trong bán cầu đại não. Tổn thương này có thể gây liệt, giảm cảm giác, giảm thị lực và nói khó.
  • Tổn thương thân não: Có tỷ lệ 25% các trường hợp nhồi máu. Có thể gây liệt tứ chi, rối loạn thị giác. Đặc biệt là xuất hiện hội chứng khoá trong, bệnh nhân tỉnh táo nhưng do liệt nên k làm gì được.
  • Tổn thương khiếm khuyết: Có tỷ lệ 25% các trường hợp nhồi máu. Trường hợp này nhẹ hơn, người bệnh vẫn còn ý thức và thường chỉ giảm cảm giác hoặc giảm vận động.

Để đơn giản hơn, bạn có thể áp dụng quy tắc F.A.S.T để nhận biệt đột quỵ nhồi máu não:

  • Mặt ( Face ): mặt méo, nhân trung lệch đi, miệng méo xệ xuống. Đặc biệt thể hiện rõ khi người bệnh cố gắng cười.
  • Tay ( Arm ): Tay yếu, liệt. Khó khăn hoặc không thể nâng cánh tay lên cao
  • Giọng nói ( Speed ): Nói khó, nói ngọng
  • Thời gian ( Time ): Khi xuất hiện các dấu hiệu trên thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu.

Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên liên hệ ngay đến trung tâm y tế để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Nhồi máu não có nguy hiểm không?

Người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như:

  • Liệt nửa người. Người bệnh sau khi trải qua cơn nhồi máu não có thể xuất hiện biến chứng liệt nửa người, liệt tay chân,… Trong trường hợp người bệnh phải nằm lâu do liệt thì người nhà cần chú ý đến các biến chứng. Như viêm da, viêm phổi, viêm đường tiết niệu,…
  • Rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh có thể không nói được, nói khó, nói ngọng,…
  • Suy giảm nhận thức. Như giảm/mất trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức,…
  • Giảm thị lực. Dấu hiệu mờ một hoặc cả hai mắt.
  • Rối loạn tiểu tiện như tiểu tiện không tự chủ.

Như vậy, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh

Hiện nay, có 2 xét nghiệm phổ biến để chẩn đoán bệnh. Bao gồm:

  • Chụp CT nhồi máu não

Thông thường, nếu nhồi máu mới xảy ra 3 – 6 giờ thì hình ảnh chụp CT não rất khó để có thể phát hiện ra nhồi màu. Chỉ đến khi xuất hiện phù não thì bác sĩ mới có thể quan sát được vùng nhồi máu não.

Hình ảnh chụp CT nhồi máu não

Hình ảnh chụp CT nhồi máu não

  • Chụp cộng hưởng từ ( MRI )

Chụp cộng hưởng từ có thể giúp phát hiện sớm và chính xác vị trí nhồi máu não hơn phương pháp chụp CT. Tuy nhiên lại mất nhiều thời gian hơn. Do vậy, khi cần chẩn đoán nhanh để xử trí nhồi máu não thường áp dụng phương pháp chụp CT não. Để đánh giá hiệu quả điều trị và khả năng hồi phục sẽ áp dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ.

Các phương pháp điều trị bệnh

Tuỳ theo từng tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Gồm điều trị tiêu huyết khối, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học và điều trị hồi phục.

Điều trị nhồi máu não

Điều trị tiêu huyết khối

Bác sĩ có thể tiêm thuốc tiêu huyết khối vào vùng có cục máu đông thông qua ống luồn đường động mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, điều trị tiêu huyết khối đường động mạch có thể làm tăng tỉ lệ hồi phục ở bệnh nhân nhồi máu não.

Nếu người bệnh đến sớm hơn 4,5 tiếng, tính từ lúc bệnh bắt đầu khởi phát thì có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Trong trường hợp sử dụng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật lấy cục máu đông ra khỏi não.

Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học

Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để kéo cục máu động ra ngoài, phục hồi lưu lượng máu đến não. Một số loại dụng cụ đang được sử dụng hiện nay bao gồm: Hệ thống Penumbra, dụng cụ Merci, dụng cụ Solitaire.

Điều trị hồi phục và phòng ngừa

Bệnh nhân cần được chỉ định sử dụng các thuốc chống đông máu và thuốc ức chế kết tập tiểu cầu để phòng ngừa cục máu đông. 

Bên cạnh đó, cần điều trị và kiểm soát các bệnh lý liên qua. Như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, tiểu đường,…

Xem thêm: Thông tin cần biết về bệnh Mỡ máu cao

Phòng ngừa và chế độ ăn uống

Nhồi máu não hoàn còn có thể được phòng ngừa và hạn chế nguy cơ nhờ xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:

  • Xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Như chế độ ăn nhiều ranh củ quả, tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Tránh ăn quá nhiều các thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn sẵn,… Tăng cường luyện tập thể dục thể thao. Hạn chế căng thẳng thần kinh,… 
  • Kiểm soát và điều trị các bệnh lý đang gặp phải. Như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường,…

Trên đây là một số thông tin mà Tricholes cung cấp về bệnh Nhồi máu não. Hy vọng đã giúp cho bạn đọc bổ sung những kiến thức chăm sóc sức khỏe hữu ích. Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *