Gan nhiễm mỡ là một tình trạng ngày càng có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển. Bệnh có thể không gây nhiều triệu chứng rõ ràng khiến cho người ta lầm tưởng rằng chúng vô hại. Thực tế, nếu không được chữa trị hợp lý, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Gan nhiễm mỡ là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Gan nhiễm mỡ ( tên tiếng Anh: Fatty Liver ) là tình trạng có sự tích tụ nhiều chất béo trong gan. Gan được gọi là nhiễm mỡ khi bắt đầu hình thành khi lượng chất béo đạt từ 5 – 10% trọng lượng gan.
Một số nguyên nhân gây bệnh:
- Lạm dụng đồ uống có cồn. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh gan nhiễm mỡ. Rượu, bia không chỉ gây bệnh mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng thuốc điều trị bệnh.
- Thừa cân, béo phì. Người béo phì thường xuyên có lượng chất béo vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể. Cơ thể buộc phải tích tụ chất béo ở gan và gây bệnh. Nguy cơ mắc bệnh của người thừa cân, béo phì cao gấp đôi người bình thường.
- Bệnh tiểu đường type 2 hoặc kháng Insulin. Tình trạng bệnh tiểu đường sẽ dẫn tới lượng đường huyết thường xuyên tăng cao trong máu. Lượng đường này sẽ tạo thành một lớp bao phủ khiến gan giảm chức năng chuyển hoá chất béo. Từ đó, gây tích tụ chất béo ở trong gan.
- Bệnh mỡ máu. Bệnh mỡ máu với nồng độ các chất béo trong máu như triglyceride và cholesterol tăng cao. Gan không thể chuyển hoá hết lượng mỡ máu dư thừa, dẫn đến tích tụ chất béo trong gan.
Xem thêm: Những thông tin cần biết về bệnh mỡ máu
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc. Như amiodarone, diltiazem, tamoxifen hoặc steroid…
- Sụt cân quá nhanh. Tình trạng cơ thể bị sụt cân quá nhanh có thể khiến cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein. Do đó không thể vận chuyển chất béo ra khỏi gan để đến các cơ quan khác. Gây tích tụ chất béo trong gan.
Các mức độ của bệnh
Bệnh được phân thành 3 mức độ như sau:
Gan nhiễm mỡ độ 1
Độ 1 là giai đoạn đầu tiên của bệnh. Lúc này lượng chất béo tích tụ trong gan chưa nhiều, thường chỉ chiếm 5 – 10% trọng lượng gan.
Gan nhiễm mỡ độ 1 chưa gây nhiều ảnh hưởng có hại đến chức năng của gan. Đồng thời chưa gây nhiều triệu chứng rõ ràng nên người bệnh rất khó để có thể tự phát hiện ra. Đa số người bệnh phát hiện thông qua xét nghiệm và khám sức khỏe định kỳ.
Nếu bạn phát hiện bệnh mới chỉ ở giai đoạn 1 thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn. Thông thường chỉ cần thay đổi lối sống lành mạnh và hạn chế các tác nhân gây hại đến gan.
Gan nhiễm mỡ độ 2
Khi bệnh nhân bỏ qua giai đoạn 1, lượng chất béo sẽ ngày một tích tụ nhiều hơn. Lúc này gan chuyển sang nhiễm mỡ độ 2 với lượng chất béo chiếm từ 10 – 20 % trọng lượng gan.
Mặc dù lượng chất béo tích tụ đã cao hơn so với độ 1 những các triệu chứng vẫn chưa xuất hiện rõ ràng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu,…
Khi phát hiện gan nhiễm mỡ độ 2, bạn không cần quá lo lắng. Bởi lúc này, việc cải thiện lối sống cùng chế độ ăn uống khoa học vẫn có thể giúp cải thiện được tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thêm những sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược sẽ hỗ trợ gan nhanh lành bệnh hơn.
Gan nhiễm mỡ độ 3
Độ 3 là mức độ khi lượng chất béo tích tụ đã vượt quá 30% trọng lượng gan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Như xơ gan, viêm gan, ung thư gan,…
Một số bạn đọc có tìm hiểu về gan nhiễm mỡ độ 4. Trên thực tế chỉ có 3 độ gan nhiễm mỡ thôi, do vậy, với nhiễm mỡ độ 4 thì chúng ta có thể hiểu đơn giản là mức độ gan nhiễm mỡ nặng và cần được điều trị tích cực.
Triệu chứng của bệnh
Người bệnh thường không có nhiều triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển nặng hay xuất hiện các biến chứng. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau bụng, đầy bụng, ăn uống khó tiêu
- Chán ăn, buồn nôn, sụt cân
- Vàng da, vàng mắt
- Hơi sưng bụng, chân bị phù
Các triệu chứng thường rất mờ nhạt và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ. Tránh trường hợp chủ quan, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Trong nhiều trường hợp, tình trạng nhiễm mỡ của gan có thể tiến triển và gây ra những biến chứng như:
- Viêm gan nhiễm mỡ
Gan bị sưng lên và tổn thương mô. Chất béo tích tụ quá nhiều trong gan sẽ làm chức năng gan bị suy giảm. Trong đó có vai trò chống độc, tạo điều kiện thuận lợi cho các độ tố, vi sinh vật gây bệnh xâm nhập và phát triển gây viêm gan.
- Xơ gan
Mô sẹo và xơ hoá sẽ được hình thành nơi gan bị tổn thương. Sự xơ hoá này sẽ ngày càng gây tổn thương và biến đổi cấu trúc của tế bào gan. Gan bị chai cứng, không còn khả năng phục hồi.
Tình trạng xơ gan có thể dẫn tới suy gan và ung thư gan.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Một số xét nghiệm được dùng để chẩn đoán bệnh như:
- Xét nghiệm máu. Mức độ men gan cao trong xét nghiệm máu có thể là một dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương. Các chỉ số mỡ máu như cholesterol, triglyceride tăng cao là một dấu hiệu cần lưu ý.
- Siêu âm ổ bụng. Thường là xét nghiệm ban đầu khi nghi ngờ bệnh gan.
- Chụp cắt lớp vi tính ( CT ) hoặc chụp cộng hưởng từ ( MRI ) vùng bụng
- Đo độ đàn hồi thoáng qua. Đây là một dạng siêu âm nang cao để đo độ cứng của gan. Gan cứng cho thấy sự xơ hoá hoặc sẹo.
- FibroScan. Đây là một phương pháp siêu âm chuyên dụng để đo độ đàn hồi và lượng mỡ trong gan.
- Xét nghiệm Virus gây viêm gan. Như virus viêm gan A, B, C để loại trừ nguyên nhân virus viêm gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ có chữa được không?
Gan có khả năng tự phục hồi rất đáng kinh ngạc. Do vậy, nếu bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có thể cải thiện bệnh và phục hồi hoàn toàn thông qua điều trị. Thậm chí là chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.
Tuy nhiên, khi bệnh đã tiến triển và gây các biến chứng như tổn thương chai cứng, xơ gan thì việc điều trị phục hồi hoàn toàn rất khó.
Các phương pháp điều trị. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì?
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh gan nhiễm mỡ. Các bác sĩ tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố góp phần gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh. Bao gồm:
- Kiêng sử dụng các đồ uống có cồn như rượu, bia
- Giảm cân và kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý
- Điều trị và kiểm soát tình trạng mỡ máu cao. Hiện nay, việc điều trị bệnh mỡ máu chủ yếu là sử dụng các thuốc hạ mỡ máu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các thảo dược thiên nhiên để điều trị bệnh mỡ máu an toàn và hiệu quả.
- Điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường
Xem thêm: Các phương pháp điều trị bệnh mỡ máu hiệu quả nhất hiện nay
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì? Kiêng gì?
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ có thể phục hồi bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên gì?
Dưới đây là một số loại thực phẩm nên đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh cho gan:
- Cà phê. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người uống cà phê bị bệnh gan nhiễm mỡ ít tổn thương hơn so với những người không uống. Các chuyên gia cho răng, chất Caffeine có trong cà phê giúp làm giảm lượng men gan cao bất thường.
- Rau xanh. Các loại rau xanh giúp ngăn ngừa tích tụ chất béo trong gan. Do vậy, bạn nên ăn nhiều rau xanh như bông cải xanh, cải bina, cải xoăn, cải bi xen,…
- Đậu phụ. Protein từ đậu nành có thể giúp làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Đồng thời, đậu phụ cũng ít chất béo và giàu protein.
- Cá béo. Các loại cá giàu omega – 3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ,… có thể giúp cải thiện tình trạng viêm và nhiễm mỡ ở gan.
- Bột yến mạch. Chúng chứa nhiều carbohydrate và chất xơ, giúp bạn cảm thấy no và cải thiện tình trạng cân nặng.
- Quả óc chó. Loại quả này chứa nhiều axit béo omega – 3. Các nghiên cứu đã cho thấy, ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ ăn quả óc chó đã cải thiện được các xét nghiệm chức năng gan.
- Sữa ít béo có thể bảo vệ gan, giúp giảm sự tổn thương hơn.
- Hạt hướng dương chứa nhiều vitamin E. Vitamin E có có tác dụng chống oxy hoá và bảo vệ gan khỏi bị tổn thương thêm.
- Trà xanh. Các bằng chứng nghiên cứu cho thất trà xanh có thể giúp cản trở sự hấp thu chất béo, giảm tích tụ chất béo trong gan và cải thiện chức năng gan.
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm có lợi cho gan nêu trên, bạn cũng cần phải tránh những thực phẩm góp phần làm nặng thêm tình trạng bệnh. Bao gồm:
- Rượu, bia
- Các thực phẩm nhiều đường. Như bánh kẹo, nước ngọt, nước hoa quả ngọt,… Lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan.
- Đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ. Chúng làm tăng lượng chất béo trong gan
- Các thực phẩm chứa nhiều muối
- Thịt đỏ như thịt bò, thịt chó, thịt dê,… có chứa nhiều chất béo bão hoa,f có thể làm tăng tích tụ chất béo trong gan.
Trên đây là một số thông tin về Bệnh gan nhiễm mỡ. Hy vọng đã giúp bạn phần nào hiểu được bệnh cũng như các phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Nếu gặp các vấn đề liên quan đến bệnh, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và nhận lời khuyên phù hợp từ bác sĩ. Chúc bạn sức khỏe.